Qúa trình phát triển huyện Bảo Lạc

Huyện Bảo Lạc là vùng đất đã có từ lâu đời. Trong lịch sử, Bảo Lạc đã có nhiều sự thay đổi và trực thuộc những đơn vị hành chính khác nhau:

Thời nhà Lý, các cấp hành chính gồm Lộ-Phủ, huyện-hương- giáp và thôn, huyện Bảo Lạc thuộc châu Quảng Nguyên. Thời nhà Trần, tên gọi của huyện vẫn không thay đổi.

Năm 1428, Lê Thái Tổ chia cả nước ra làm 5 đạo: Đông, Tây, Nam, Bắc và Hải Tây, Bảo Lạc Thuộc Tây Đạo.

 Năm 1466, Lê Thánh Tông chia cả nước ra 12 đạo thừa tuyên, châu Bảo Lạc thuộc Tuyên Quang thừa tuyên. Đến thế kỷ XVII, các đạo được đổi thành trấn; sang thế kỷ XVIII lại được đổi thành thừa tuyên, châu Bảo Lạc vẫn thuộc Tuyên Quang.

Năm 1831-1832, vua Minh Mệnh đổi trấn thành tỉnh, dưới tỉnh là phủ, huyện, châu và tổng xã, châu Bảo Lạc thuộc tỉnh Tuyên Quang. Năm 1835, sau khi dẹp được cuộc khởi nghĩa Nông Văn Vân, vua Minh Mệnh bỏ châu Bảo Lạc và chia thành huyện Vĩnh Điện (gồm 2 tổng và 11 xã) và huyện Để Định (gồm 2 tổng và 9 xã). Năm 1891, châu Bảo Lạc được lập lại thuộc tỉnh Hà Giang.

Năm 1858, thực dân Pháp nổ súng xâm lược Việt Nam, sau đó chúng mở rộng chiến tranh xâm lược ra khắp cả nước. Năm 1886, Pháp đánh chiếm Cao Bằng và thiết lập ách cai trị bằng quân sự. Ngày 20/8/1891, toàn quyền Đông Dương ra nghị định cắt một số khu vực của một số tỉnh để thành lập ở Bắc Kỳ 4 đạo quan binh: Phả Lại, Lạng Sơn, Yên Bái, Sơn La, năm 1916 chúng thành lập đạo quan binh thứ 5 là Lai Châu. Năm 1925, Bảo Lạc thuộc Cao Bằng nằm trong đạo quan binh thứ nhì là Lạng Sơn. Thời kỳ này Cao Bằng gồm 1 phủ, 8 châu, 33 tổng và 230 xã (Châu Bảo Lạc có 2 tổng và 10 xã).

 Đến trước cách mạng tháng tám 1945, châu Bảo Lạc có 2 tổng Nam Quang và Mông Ân.

Ngày 20/12/1975, kỳ họp thứ 2 Quốc Hội khóa V ra Nghị nghị hợp nhất tỉnh Cao Bằng và Lạng Sơn thành lập tỉnh Cao Lạng, huyện Bảo Lạc là một trong 20 huyện thị xã của tỉnh Cao Lạng.

Ngày 29/12/1978, kỳ họp thứ 4 Quốc Hội khóa VI ra Nghị quyết chia tỉnh Cao Lạng thành hai tỉnh Cao Bằng và Lạng Sơn, huyện Bảo Lạc là một trong 12 huyện và thị xã của tỉnh Cao Bằng.

Ngày 25/9/2000, Chính phủ ra Nghị định số 52/2000/NĐ-CP, tách 10 xã của huyện Bảo Lạc để thành lập Huyện Bảo Lâm. Huyện Bảo Lạc sau khi tách có 14 xã, thị trấn.

Hiện nay, huyện có 17 đơn vị hành chính, gồm 16 xã và 1 thị trấn, bao gồm các xã: Xuân Trường, Đình Phùng, Hồng An, Sơn Lộ, Sơn Lập, Huy Giáp, Hưng Đạo, Hưng Thịnh, Cô Ba, Cốc Pàng, Phan Thanh, Khánh Xuân, Bảo Toàn, Thượng Hà, Thị Trấn Bảo Lạc, Hồng Trị , Kim Cúc. Trong đó có 5 xã biên giới tiếp giáp với Trung Quốc, gồm: Xuân Trường, Khánh Xuân, Cô Ba, Cốc Pàng, Thượng Hà, với chiều dài đường biên là 53,6 km.

Truyền thống đấu tranh của nhân dân Bảo Lạc

 Tỉnh Cao Bằng nói chung, huyện Bảo Lạc nói riêng là vùng biên ải phía Bắc, có vị trí chiến lược quan trọng trong các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ tổ quốc. Nhân dân các dân tộc nơi đây có truyền thống yêu nước nồng nàn, tinh thần bất khuất đấu tranh chống giặc ngoại xâm.

– Dưới các triều đại phong kiến Việt Nam, phong kiến Trung Quốc nhiều lần xâm chiếm nước ta, nhân dân các dân tộc miền biên gới phía Bắc trong đó có nhân dân các dân tộc huyện Bảo Lạc nằm ở vị trí tiền đồn, cửa ngõ của Tổ quốc, đã không quản ngại hi sinh gian khổ, đoàn kết gắn bó bảo vệ biên cương của tổ quốc, cùng nhân dân cả nước đứng lên đấu tranh chống sự xâm lăng của quân xâm lược, là phên giậu quan trọng che chở cho biên giới phía Bắc của nước ta.

Tuy nhiên dưới triều đại phong kiến nhà Nguyễn, do chính sách cai trị hà khắc của quan quân đối với nhân dân đã làm bùng lên hàng loạt cuộc khởi nghĩa chống lại triều đình, trong đó có cuộc khởi nghĩa Nông Văn Vân – Tri châu Bảo Lạc. Bất bình với chính sách dân tộc của nhà Nguyễn, từ năm 1829, Nông Văn Vân, thổ tù Bảo Lạc Cao Bằng đã có ý định kêu gọi nhân dân Tày, Nùng nổi dậy.  nhưng phải đến tháng 8-1833, cuộc khởi nghĩa mới thực sự bùng nổ, khi triều đình Nguyễn cách chức Tri châu của Nông Văn Vân  và định bắt ông.

Nông Văn Vân  tự xưng là Tiết chế Thượng tướng quân lấy núi Vân Trung, Ngọc Mạo làm căn cứ chính, kêu gọi nông dân nổi dậy chống lại triều đình. Cuộc khởi nghĩa lan rộng khắp vùng miền Việt Bắc thu hút được sự tham gia của các thổ ty, thổ mục các tỉnh Cao Bằng, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái  Nguyên, nghĩa quân của Nông Văn Vân có lúc lên đến 6000  người. Lo sợ ảnh hưởng của cuộc khởi nghĩa, triều đình nhà Nguyễn đã nhiều lần cử các tướng giỏi thống lĩnh quân đội lên để đàn áp nhưng đều bị thất bại. Tháng 10-1834, triều đình huy động một đội quan hùng hậu lên đàn áp cuộc khởi nghĩa và điều thêm quân đội của các tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, Bắc Ninh, Hải Dương đến cứu viện. Cuộc chiến đấu diễn ra rất ác liệt ở nhiều nơi nhưng do tương quan lực lượng chênh lệch qua lớn nên nghĩa quân bị thất bại, cuộc khởi nghĩa bị dập tắt tháng 3-1835.

Tình hình trật tự trị an trên địa bàn huyện sau đó tương đối ổn định khoảng 20 năm thời Thiệu Trị và Tự Đức. Nhưng từ nửa sau thế kỷ XIX trở đi, tình hình an ninh trật tự dọc biên giới nước ta vơi Trung Quốc diễn biến khá phức tạp. Nhiều cuộc khởi nghĩa của nông dân Trung Quốc chống lại triều đình Nhà Thanh bị thất bại đã tràn sang biên giới nước ta và phân hóa thành nhiều nhóm phỉ, tổ chức cướp bóc nhân dân dọc hai đường biên giới.

Chế độ phong kiến nhà Nguyễn ngày càng thối nát, làm cho tiềm lực quốc gia ngày càng suy yếu không đủ sức để chống lại sự xâm lăng của ngoại bang. Tháng 8 năm 1858, thực dân Pháp nổ súng tấn công xâm lược Việt Nam, sau đó đất nước ta bị rơi vào ách đô hộ của thực dân Pháp. Tháng 10-1886, thực dân Pháp đánh chiếm Cao Bằng và thiết lập ách cai trị thực dân trên địa bàn tỉnh. Cùng với cả nước nhân dân các dân tộc huyện Bảo Lạc đã anh dũng đứng lên đấu tranh chống thực dân Pháp xâm lược. Do chưa có đường lối cách mạng đúng đắn nên phong trào đấu tranh chống Pháp của nhân dân ta liên tiếp bị thất bại.

Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời ngày 3-2-1930 và Chi bộ đảng cộng sản đầu tiên của Cao Bằng được thành lập 4-1930, dưới ngọn cờ lãnh đạo của Đảng, phong trào cách mạng của nhân dân Cao Bằng chuyển sang một thời kỳ mới. Những hoạt động tích cực của tổ chức Đảng ở Cao Bằng, của các cán bộ Đảng, cán bộ Việt Minh trong những năm 1930-1945 đã gây ảnh hưởng mạnh mẽ trong nhân dân, thu hút đông đảo quần chúng tham gia hoạt động cách mạng. Đặc biệt tháng 4-1945, Chi bộ cộng sản đầu tiên ở châu Bảo Lạc ra đời, cuộc đấu tranh của nhân dân huyện có sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng, đây là nhân tố có ý nghĩa quan trọng quyết định sự thắng lợi của cuộc đấu tranh giành chính quyền về tay nhân dân trong cách mạng Tháng tám 1945.

Trong cuộc kháng chiến chống Pháp 1945-1954, nhân dân huyện Bảo Lạc đã ra sức xây dựng chế độ mới, củng cố chính quyền cách mạng, kiên quyết đấu tranh chống lại các thế lực phản động đặc biệt là tiễu phỉ, tích cực tham gia kháng chiến kiến quốc ra sức chi viện sức người sức của cho tiền tuyến, cùng cả nước đánh bại các kế hoạch chiến tranh của thực dân Pháp mà đỉnh cao là Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (ngày 7/5/1954), kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Từ năm 1954 – 1975, Đảng bộ huyện Bảo Lạc đã lãnh đạo nhân dân thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng chủ nghĩa xã hội, cùng nhân dân cả nước chi viện cho miền Nam đấu tranh chống đế quốc Mỹ  xâm lược, bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa, giải phóng miền Nam, thống nhất  đất nước.

Sau ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, nhân dân các dân tộc huyện Bảo Lạc đã luôn nêu cao tinh thần tự lực tự cường, đoàn kết, không ngừng nỗ lực phấn đấu thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Được sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước, của Đảng bộ và chính quyền tỉnh Cao Bằng, các bộ, ngành Trung ương và các địa phương bạn, Đảng bộ đã lãnh đạo nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện phát huy nội lực, khai thác có hiệu quả ngoại lực để tạo sức mạnh tổng hợp vượt qua khó khăn, thách thức, đẩy mạnh xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, phát triển sản xuất, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, gắn phát triển kinh tế với thực hiện tiến bộ văn hóa – xã hôi, đảm bảo an ninh, quốc phòng và xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh góp phần vào sự phát triển chung của đất nước

Trong công cuộc đổi mới, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện Bảo Lạc tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang của quê hương cách mạng, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, khai thác tiềm năng, phát huy thế mạnh của địa phương, chủ động hội nhập kinh tế, quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ do Đại hội đại biểu Đảng bộ các cấp đã đề ra,  nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, xây dựng xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Trong những năm gần đây, dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, huyện Bảo Lạc đã có sự đổi thay lớn. Nền kinh tế nông nghiệp có bước tăng trưởng toàn diện, có nhiều mô hình sản xuất hiệu quả, từng bước phát triển, chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hoá. Sản xuất lâm nghiệp có nhiều chuyển biến tích cực. Sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp, xây dựng cơ bản được đẩy mạnh. Kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư xây dựng, từng bước đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội địa phương. Các loại hình dịch vụ có bước phát triển mới theo hướng đáp ứng tốt hơn các nhu cầu về sản xuất, kinh doanh và phục vụ đời sống nhân dân. Văn hoá – xã hội được quan tâm đúng mức, đã đạt nhiều tiến bộ, đời sống văn hoá, tinh thần của nhân dân tiếp tục được cải thiện. Công tác quốc phòng toàn dân tiếp tục được củng cố và tăng cường, tạo cơ sở vững chắc để phát triển KT- XH. Sự nghiệp giáo dục phát triển nhanh. Công tác y tế được chú trọng, đảm bảo chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho nhân dân … Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới được BCH đảng bộ huyện coi là nhiệm vụ trọng tâm để tập trung lãnh đạo, đã tạo được sự ủng hộ của cả hệ thống chính trị. Với những nỗ lực của các cấp, các ngành từ huyện đến cơ sở và sự cố gắng của nhân nhân, trong những năm qua phong trào xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện đã đạt được những kết quả nhất định.

Huyện Bảo Lạc xác định phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn là nhiệm vụ hàng đầu; công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp là trọng tâm; dịch vụ-thương mại là mũi nhọn; xây dựng hệ thống chính trị và đào tạo nguồn nhân lực là then chốt. Đảng bộ huyện thường xuyên đổi mới phong cách lãnh đạo, xác định công việc trọng tâm, sâu sát cơ sở, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở Đảng. Trong công tác xây dựng Đảng, các cấp uỷ Đảng thường xuyên quan tâm lãnh đạo, làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng nên đại bộ phận cán bộ, đảng viên, nhân dân thấm nhuần quan điểm, đường lối đổi mới của Đảng, kiên định con đường đi lên CNXH; có lập trường chính trị vững vàng, ủng hộ những chủ trương, định hướng lớn của cấp uỷ chính quyền địa phương, Công tác phát triển Đảng được các cấp ủy quan tâm cả về số lượng và chất lượng, Đảng bộ huyện hàng năm đều đạt Đảng bộ trong sạch vững mạnh.