Những ngày đầu hè, chúng tôi đến hai huyện Bảo Lạc. Cứ ngỡ là huyện xa nhất tỉnh chắc về đây sẽ vắng vẻ lắm, nhưng khi đặt chân đến huyện và dừng chân ở đây 2 ngày, chúng tôi mới thấy ở đây cũng đông vui, náo nhiệt không kém gì Thành phố, chỉ khác là không khí nơi đây trong lành, thoáng đãng hơn. Điều đầu tiên làm chúng tôi ấn tượng nhất về vùng miền Tây này (chủ yếu là huyện Bảo Lạc) là nơi hội tụ nhiều điểm di tích lịch sử, văn hóa.
Bước chân vào thị trấn Bảo Lạc, chúng tôi đã bị cuốn hút bởi một công trình có kiến trúc cổ độc đáo, phong cảnh đẹp, đó là Dinh thự cổ họ Nông ở Bảo Lạc. Dinh thự là ngôi nhà của tri phủ Nông Hùng Tân làm chức Quản Đạo (tuần phủ) năm 1890. Sử sách ghi nhận dòng họ Nông có thế lực lớn tiếp nối cai quản châu Bảo Lạc, có nhiều công lao chống giặc ngoại xâm, bảo vệ biên cương. Khu Dinh thự nằm ngay đầu Thị trấn, tọa lạc dưới chân núi Vân Trung, cửa nhà hướng Đông Nam có con sông Neo (cách 400 m) ôm gọn cánh đồng Nà Bản rộng hơn 12 ha. Dinh thự nằm trong một khuôn viên rộng, cổng đi vào có 2 cây dã hương cổ thụ hơn 100 tuổi.
Dinh thự trước đây có 2 nhà (nhà trong và nhà ngoài), nhà trong nay không còn. Hiện nay, còn lại nhà ngoài được xây dựng khoảng năm 1909, rộng gần 400 m2, kết hợp hài hòa giữa kiến trúc phương Tây và địa phương. Nhà có 5 gian, trong có lò sưởi, nền lát gạch hình chữ nhật màu đen. Xung quanh tòa nhà là đường hiên rộng 1,5 m, cửa ly tô, lan can bao quanh được bài trí như những ngôi nhà cổ phương Tây. Mái nhà lợp bằng ngói âm dương màu xám, ly tô mái là những tấm ván dày 1 cm, rộng 8 cm theo kiến trúc địa phương. Xung quanh Dinh thự trồng cây lâu năm, nay còn lại 2 cây dã hương cổ thụ hơn 100 tuổi trước cổng. Đây là ngôi nhà cổ duy nhất của Bảo Lạc và tỉnh Cao Bằng.
Rời Dinh thự cổ dòng họ Nông, đi thêm một đoạn, xen giữa khu dân cư của thị trấn Bảo Lạc, chúng tôi đến thắp hương, cầu nguyện tại chùa Vân An và miếu Quan Đế Thánh. Theo ông Nông Văn Phúc, một lão thành cách mạng đã 85 tuổi cho biết: Chùa Vân An và miếu Quan Đế Thánh được xây dựng từ thế kỷ 15, 16. Chùa Vân An thờ Ngọc hoàng Thượng đế, hậu cung thờ Quân Thế âm Bồ tát, để cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, cầu phúc, cầu tài… Tại chùa, nhân dân tổ chức lễ hội vào mùng 9 tháng Giêng hằng năm. Miếu Quan Đế Thánh thờ thầy trò Quan Vân Trường. Chùa là nơi vui chơi giải trí của nhân dân trong vùng vào các ngày mùng 1, 2, 3, Tết Nguyên đán hằng năm.
Từ thị trấn Bảo Lạc, theo con đường mới được nâng cấp, mở rộng, đi khoảng 28 km, chúng tôi đến Di tích Đồn Đồng Mu, thuộc xóm Nà Đoỏng, xã Xuân Trường (Bảo Lạc). Đây là nơi diễn ra trận đánh thứ 3 của Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân, cũng là nơi đồng chí Hoàng Văn Nhủng (bí danh Xuân Trường) – liệt sỹ đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam anh dũng hy sinh. Trong năm 2014, Di tích Đồn Đồng Mu được Bộ Tư lệnh Quân khu 1 đầu tư 1 tỷ 500 triệu đồng tôn tạo, trùng tu lại.
Đi theo con đường bê tông mới rải dẫn lên di tích Đồn, chúng tôi không khỏi bồi hồi, xúc động, xen lẫn niềm tự hào. Chị Nông Thị Tuyết, một người dân ở gần di tích cho biết: Trước đây khi di tích chưa được tôn tạo, hằng ngày vẫn có các đoàn khách đến tham quan. Nhưng từ khi được tôn tạo khách đến nhiều hơn, nhất là vào ngày nghỉ, dịp lễ, Tết. Di tích Đồn Đồng Mu đã thực sự trở thành “địa chỉ đỏ” của huyện Bảo Lạc và của cả tỉnh, hằng năm đón không ít các đoàn khách, đại biểu về thăm, dâng hương; cũng là nơi giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ. Cùng đi với chúng tôi có 2 sinh viên Trường Đại học Khoa học xã hội Thái Nguyên, khi được đặt chân vào di tích, hai em đã không giấu được niềm vui, tự hào. Hai em chia sẻ: Đây là lần đầu tiên chúng em được đến thăm khu di tích. Đến đây, em mới thấy được sự gian lao, khổ cực mà thế hệ cha anh đã phải trải qua. Điều này khiến chúng em càng thấy thêm yêu quê hương, đất nước mình và thấy mình cần phải nỗ lực, cố gắng hơn nữa trong học tập, cuộc sống để xứng đáng với truyền thống quê hương.
HẤP DẪN VỚI DU LỊCH SINH THÁI, MẠO HIỂM, LEO NÚI
Bên cạnh những đặc trưng du lịch lịch sử, về nguồn, Bảo Lạc còn là điểm đến cho du khách ưa du lịch mạo hiểm, sinh thái, ngắm cảnh thiên nhiên rừng núi.
Điểm đầu tiên có thể kể đến đó là điểm du lịch cộng đồng dân tộc Lô Lô, xóm Khuổi Khon, xã Kim Cúc (Bảo Lạc). Xóm Khuổi Khon nằm giữa lưng chừng núi, cách quốc lộ 34 khoảng 5 km, đường ô tô đến được đầu xóm. Nơi đây là khu vực sinh sống của đồng bào dân tộc Lô Lô. Đến đây, du khách được trải nghiệm cuộc sống tĩnh mịch, hòa mình vào thiên nhiên, cùng trải nghiệm cuộc sống bình dị nông thôn, thưởng thức những món ăn dân dã, những nét văn hóa độc đáo của đồng bào, như: dệt vải, múa trống…, khác hẳn với cuộc sống nơi đô thị ồn ào…
Sau những ngày được sống yên bình nơi bản làng vùng cao, du khách muốn thử sự dũng cảm của mình sẽ đến điểm du thuyền mạo hiểm xuyên quốc gia “Khe Hổ Nhảy” tại xã Cô Ba (Bảo Lạc). Đây là một hạng mục hợp tác về du lịch giữa UBND tỉnh Cao Bằng với Chính phủ Nhân dân thành phố Bách Sắc, Quảng Tây (Trung Quốc). Điểm du lịch này được hai bên khai trương du thuyền thử nghiệm trên sông xuyên quốc gia “Khe Hổ Nhảy”, từ sông Bách Nam, Nà Po, Quảng Tây (Trung Quốc) đến sông Gâm, Bảo Lạc, Cao Bằng (Việt Nam) hồi tháng 9/2007. Đây là một trong những điểm du lịch hấp dẫn. Hấp dẫn từ cái tên “Khe Hổ Nhảy” kỳ bí đến sự mạo hiểm của tuyến du lịch. Tham gia tuyến du lịch, du khách bắt đầu đi từ huyện Nà Po (Trung Quốc) đi chếch về phía tây 45 km đến xã Bách Nam (Trung Quốc) là đã đến bến sông. Tại đây, du khách sẽ được ngồi trên những chiếc thuyền trôi trên sông để ngắm cảnh hai bên với những thảm thực vật, những rừng trúc xanh biếc, những bản làng bình yên và những đỉnh núi cao vút xa mờ. Để rồi đang mải ngắm cảnh bỗng thuyền hụp xuống một hủm khá sâu, rồi lại trồi lên một cách nhanh chóng để tiếp tục đi tiếp về phía trước. Dòng sông bắt đầu hẹp dần, hai bên là vách đá dựng đứng cùng những tảng đá lô nhô ở giữa mặt sông. Con thuyền khéo léo, mạo hiểm vượt qua các cản trở đi vào đất Việt Nam khoảng 500 m thì vào đến bờ.
Đây là một dự án hợp tác về du lịch có tiềm năng mà nước bạn và phía tỉnh Cao Bằng đã nhận thấy. Tuy nhiên, do địa hình đồi núi hiểm trở, địa điểm xây dựng các công trình ở xa trung tâm huyện lỵ nên việc xây dựng các hạng mục du lịch của phía tỉnh Cao Bằng gặp nhiều khó khăn. Phía Trung Quốc vẫn chưa thực hiện được các biện pháp đơn giản hóa thủ tục xuất nhập cảnh cho khách du lịch nên tuyến du lịch này vẫn chưa thực hiện được. Hy vọng trong tương lai, hạng mục dự án du lịch du thuyền mạo hiểm xuyên quốc gia “Khe Hổ Nhảy” sẽ tiếp tục được đầu tư, đưa vào khai thác, sử dụng để thúc đẩy hợp tác phát triển giữa hai nước nói chung và thúc đẩy phát triển KT – XH huyện Bảo Lạc nói riêng.
Một điểm níu kéo khách trong mỗi dịp về các huyện miền Tây của tỉnh là được leo lên “nóc nhà” của tỉnh Cao Bằng – đỉnh Phja Dạ, với độ cao hơn 2.000 m so với mặt nước biển. Người ta ít khi nhìn thấy đỉnh Phja Dạ bởi quanh năm mây phủ trắng núi. Đường xá xa xôi hiểm trở, cơ sở vật chất chưa được đầu tư, cuộc sống của người dân dưới chân Phja Dạ còn nhiều khó khăn thiếu thốn và những câu chuyện kể về Phja Dạ ly kỳ, lạ lẫm như chuyện từ mấy mươi năm về trước. Theo người bạn đồng nghiệp của chúng tôi đã từng lên đến đỉnh Phja Dạ, ở trên đó, quanh năm sương bao phủ, mùa hè mưa nhiều, từng dòng nước trắng xóa từ đỉnh núi như những thác nước khổng lồ trên trời đổ xuống; mùa đông thì lạnh thấu xương, gặp những hôm nhiệt độ thấp trên đỉnh Phja Dạ phủ trắng một màu băng giá. Phja Dạ được ví như là một Sa Pa thứ hai của cả nước. Không những thế, khu vực núi Phja Dạ còn có những hang động vẫn nguyên sơ chưa được khám phá với những phong cảnh, nhũ đá đẹp lung linh. Với vẻ đẹp thiên nhiên hoang dã cùng sự thanh bình, yên tĩnh, nếu như nơi đây được quan tâm đầu tư đưa vào khai thác thành điểm du lịch leo núi, khám phá chắc sẽ thu hút đông đảo khách du lịch.
Những tiềm năng từ di tích lịch sử đến cảnh quan thiên nhiên kể trên, nếu được khai thác tốt, nhất định du lịch miền Tây của tỉnh sẽ phát triển, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp cho sự phát triển KT – XH của huyện Bảo Lâm, Bảo Lạc nói riêng và tỉnh Cao Bằng nói chung.